8h sáng ngày 21/05/2025, ông Đỗ Minh Dũng – GĐ Công ty Cổ phần Kỹ thuật và Xây dựng Gia Phú đã có mặt tại Nhà máy sản xuất thuốc thú ý Việt Thọ (DONAVET) cùng các cấp lãnh đạo của nhà máy tham gia lễ động thổ xây dựng nâng cấp khu nhà máy đạt chuẩn WHO GMP lớn bặc nhất trong khu vực.
Trên cơ sở góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hơn 200 định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD (Thông tư 12) nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế.
Địa phương vướng mắc về đơn giá định mức
Dù đảm bảo gần 80% tiến độ dự án, nhưng một số nhà thầu đang thi công tại nút giao Phú Thứ (Hà Nam) cho biết, còn gặp một số khó khăn về đơn giá vật liệu xây dựng (VLXD) và đơn giá nhân công.
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, đại diện nhà thầu Vinaconex, kỹ sư Hồ Minh Hạnh, chỉ huy trưởng công trường dự án nút giao Phú Thứ cho biết: Hiện Liên danh hai nhà thầu Vinaconex – Trung Chính đang phải mua VLXD với mức giá rất cao, gần như gấp đôi so với dự toán ban đầu, điều này đã gây thiệt hại cho các nhà thầu.
Theo quy định, việc sửa đổi, bổ sung đơn giá định mức sẽ được thực hiện 3 năm 1 lần, nhưng có thể sớm hơn khi cần thiết.
“Trường hợp giá thành VLXD thời gian tới nếu không điều chỉnh, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp xây dựng cũng như các nhà thầu thực hiện dự án”, ông Hạnh chia sẻ.
Theo ông Hạnh, ngoài đơn giá vật liệu, nhà thầu gặp khó khăn khi đơn giá nhân công theo định mức của Thông tư 12/2021/TT-BXD thấp hơn đáng kể so với mức lương thực tế trên thị trường. Ví dụ, công nhân kỹ thuật cao trong lĩnh vực lắp đặt thiết bị công nghệ phải được trả mức lương cao hơn để đảm bảo chất lượng, nhưng định mức hiện hành chỉ áp dụng mức bình quân, không tính đến sự chênh lệch vùng miền hoặc trình độ chuyên môn. Điều này khiến nhà thầu phải bù thêm chi phí.
Ông Phạm Quang Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam cho biết: “Hiện đơn giá ca máy trong định mức vận chuyển quá thấp, khi áp dụng vào thực tế chỉ được một nửa, nên rất khó làm. Thực tế triển khai lúc nào cũng thuê phải gấp đôi so với định mức. Bên cạnh đó là định mức các ca máy rải bê tông, do thiết bị này được nhập khẩu về đắt, nhưng đơn giá định mức thấp, nên thuê cũng khó mà mua về sử dụng cũng khó”.
Hiện nhiều địa phương cũng gặp những vướng mắc về đơn giá định mức và kiến nghị Bộ Xây dựng, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bổ sung thế nào cho phù hợp?
Theo ông Hồ Ngọc Sơn, Phó cục trưởng Cục Kinh tế – Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng), thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã rà soát, bổ sung hệ thống định mức, qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống công cụ, tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.
Năm 2024, Bộ Xây dựng đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành định mức tại Thông tư số 09 để giải quyết các vướng mắc đối với nhóm các công tác xây dựng quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn tại các dự án công trình giao thông đường bộ, hàng không.
Qua đó đã góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 02/CĐ-TTg tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Việc bổ sung định mức xây dựng là phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, qua kiểm tra theo dõi và báo cáo của Viện Kinh tế xây dựng, tổng hợp ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội nghề nghiệp, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, hệ thống định mức xây dựng còn thiếu định mức dự toán đối với một số công tác thi công đất, đá, thi công đường, thi công cọc, vận chuyển VLXD, cấu kiện xây dựng, công tác xây dựng đường sắt, công tác thi công sử dụng vật liệu mới, công nghệ thi công mới.
Ngoài ra, hiện nay tại một số dự án cao tốc áp dụng cơ chế đặc thù giao mỏ cho nhà thầu thi công xây dựng khai thác đang vướng mắc, khó khăn do thiếu định mức dự toán các công tác sản xuất, khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng tại mỏ để phục vụ công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định số 175 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biêṇ pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng, đã quy định bổ sung một số trường hợp dự án được áp dụng lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật (thiết kế một bước) thay cho việc phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở (thiết kế 2 bước trở lên).
Do đó cần xây dựng bổ sung định mức chi phí tư vấn lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đối với các trường hợp này.
“Từ các cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc tiếp tục rà soát, cập nhật hệ thống định mức xây dựng và ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng tại Thông tư số 12 là rất cần thiết”, ông Hồ Ngọc Sơn cho hay.
Về những điểm mới của dự thảo Thông tư, theo nội dung tờ trình của Cục Kinh tế – Quản lý đầu tư xây dựng, dự thảo Thông tư đã sửa đổi, bổ sung 231 định mức cho 3 nhóm định mức gồm: 165 định mức dự toán xây dựng, 1 định mức sử dụng vật liệu xây dựng và 65 định mức chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Trong đó chủ yếu tập trung xây dựng bổ sung các nhóm định mức xây dựng chủ yếu sau như công tác khai thác, vận chuyển cát; công tác thi công đường sắt; công tác thi công rọ đá bằng thủ công…
Cho ý kiến về dự thảo Thông tư, ông Nguyễn Trọng Hoàng, chuyên viên Cục Đường sắt Việt Nam chia sẻ, hiện một số định mức liên quan đến lĩnh vực đường sắt còn thiếu, kỳ vọng dự thảo Thông tư 12 sau khi sửa đổi sẽ giải quyết được những bất cập này.
Để đảm bảo nhu cầu thực tế, Ban QLDA Thăng Long cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến công tác thi công đường; công tác thi công kết cấu bê tông, trong đó, kiến nghị bổsung định mức gia công lắp dựng ván khuôn thép mái cống hộp, mái hầm chui dân sinh….
Cùng với đó là các định mức liên quan đến công tác vận chuyển, đắp nền đường bằng đá cấp 4 đào bằng máy thông thường; thi công lớp móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng…
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên dài 29,01 km là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa; tốc độ thiết kế 120 km/h với 19 ga, có cự ly cách nhau 1,7 km.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 969/QĐ – TTg thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, đoạn Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên.
Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, đoạn Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên do Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chủ tịch, Phó chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Các thành viên của Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Bình Dương.
Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, đoạn Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên.
Quyết định số 969 nêu rõ, trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó chủ tịch Hội đồng, các ủy viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng được thực hiện tương ứng theo quy định tại các Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
Các thành viên có tránh nhiệm tham gia ý kiến đúng thời hạn theo đề nghị của Cơ quan thường trực Hội đồng, trường hợp quá hạn chưa trả lời thì coi là thống nhất với nội dung lấy ý kiến của Cơ quan thường trực Hội đồng và hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc không trả lời đúng hạn.
Hội đồng có trách nhiệm hoàn thiện Báo cáo thẩm định theo quy định, trong đó khẳng định rõ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đủ điều kiện để Chính phủ thông qua, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã có Tờ trình 2299/Tr- UBND kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, đoạn Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên.
Dự án có điểm đầu tại Ga S1 (trung tâm Thành phố mới) thuộc phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại ga Bến xe Suối Tiên (tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM) thuộc phường Bình Thắng, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Chiều dài tuyến chính dự kiến là 29,01 km (chưa đầu tư đoạn nối đề-pô và đoạn nối 3,42 km) đi qua 4 thành phố của tỉnh Bình Dương là Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An.
Theo định hướng Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tuyến đi trên cao từ ga trung tâm Thành phố mới Bình Dương (kết nối với ga Bình Dương của tuyến đường sắt quốc gia TP.HCM – Lộc Ninh), theo đường Hùng Vương đến giao với đường ĐX.01.
Từ đây, tuyến đi theo đường ĐX.01 đến đường Mỹ Phước – Tân Vạn, qua nút giao Bình Chuẩn đi song song với đường sắt TP.HCM – Lộc Ninh, Trảng Bom – Hòa Hưng đến ga Suối Tiên.
Tuyến kết nối Thành phố mới trung tâm tỉnh, Thuận An, Dĩ An với khu du lịch Suối Tiên, đồng thời cùng tuyến metro số 1 (Suối Tiên – Bến Thành) của TP.HCM tạo thành tuyến đường sắt đô thị của Vùng (Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên – Bến Thành).
Về tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu, tuyến đường sắt đô thị số 1, Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa; tốc độ thiết kế 120 km/h. Tuyến có đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán (EMU) với 19 ga, có cự ly cách nhau 1,7 km.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 56.301 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 6.679 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 20.265 tỷ đồng; chi phí thiết bị là 15.287 tỷ đồng; chi phí quản lý, tư vấn, chi phí khác là 5.333 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 8.737 tỷ đồng.
Để chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị nguồn vốn cho Dự án gồm ngân sách nhà nước từ Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó ngân sách tỉnh là 21.654 tỷ (39%); TOD là 23.387 tỷ (41%) và Trung ương hỗ trợ là 11.260 tỷ (20%).
UBND tỉnh Bình Dương dự kiến lập và phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án trong quý II/2025; lập phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ quý II/2025 – quý II/2026; lựa chọn nhà thầu EPC từ quý III/2026 – quý I/2027; giải phóng mặt bằng quý II/2027 – quý II/2028; khởi công và xây dựng công trình từ quý II/2027 đến năm 2031.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 tại Bộ Xây dựng chưa như kỳ vọng đang để lại những lo lắng nhất định cho cả chủ đầu tư lẫn lãnh đạo bộ này.
Được biết, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công tính đến 30/4/2025 của Bộ Xây dựng mới đạt khoảng 13.201 tỷ đồng, bằng 15,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và tương đương mức giải ngân bình quân chung cả nước (khoảng 15,56%). Song so với kế hoạch đăng ký giải ngân hằng tháng của các chủ đầu tư, thì lũy kế giải ngân của Bộ Xây dựng chỉ đạt khoảng 78,1%, chậm giải ngân khoảng 3.694 tỷ đồng. So với kết quả giải ngân cùng kỳ năm trước, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm 2025 cũng thấp hơn khoảng 5%.
Đây là mối quan ngại không nhỏ, bởi trong nhiều năm nay, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm luôn có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn 5 – 10% so mặt bằng chung của cả nước. Điều đáng nói là tháng 4 vừa qua là tháng về đích của nhiều dự án lớn, về lý thuyết nhu cầu giải ngân sẽ phải tăng mạnh nhưng ngay cả việc giải ngân theo kế hoạch đăng ký trong tháng (chưa kể phần phải giải ngân bù do chậm các tháng trước) cũng chưa đạt và còn thấp hơn cả kết quả giải ngân tháng 3.
Ở chiều ngược lại, có ý kiến cho rằng, việc nhiều nhà thầu và chủ đầu tư trong thời gian qua phải dồn toàn bộ nhân lực ra hiện trường để kịp hoàn thành, thông xe các tuyến cao tốc trong dịp lễ 30/4 -1/5 vừa qua đã khiến khối lượng hoàn thành chưa kịp làm thủ tục nghiệm thu, thanh toán rất lớn và là nguyên nhân cơ bản khiến khối lượng giải ngân chưa đạt yêu cầu. Có thể kiểm chứng nhận định này qua kết quả giải ngân trong tháng 5/2025, khi các nhà thầu xây lắp, tư vấn và chủ đầu tư “rảnh tay” hơn để tập trung hoàn thành công tác nội nghiệp, đẩy nhanh khối lượng thanh toán tồn ra khỏi hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Mặc dù vậy, những bước xuất phát chưa như kỳ vọng tại các dự án trọng điểm nói trên đã và đang tạo lại áp lực rất lớn cho Bộ Xây dựng – đầu tàu giải ngân vốn đầu tư công cả nước. Để hoàn thành kế hoạch được giao, bình quân mỗi tháng còn lại trong năm 2025, các chủ đầu tư sử dụng vốn của Bộ Xây dựng sẽ phải giải ngân tối thiểu 10.226 tỷ đồng, xấp xỉ khối lượng vốn được giải ngân trong 4 tháng đầu năm 2025.
Chính vì vậy, cùng với việc sớm giải quyết tình trạng “dồn toa” khối lượng hoàn thành chưa giải ngân; xử lý dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng, vật liệu tại các dự án đường cao tốc, lãnh đạo các chủ đầu tư của Bộ Xây dựng phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cần phải tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Công điện số 60/CĐ – TTg, ngày 9/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, để thực hiện bằng được “mệnh lệnh” của người đứng đầu Chính phủ về việc không đổi mục tiêu với các dự án trọng điểm giao thông – vận tải, Bộ Xây dựng và các địa phương được giao chủ quản đầu tư phải hoạt động tích cực, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, “lao tâm khổ tứ” như với công việc của chính mình.
Có nghĩa, các chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu cần bám sát đường găng tiến độ, bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, không để đội vốn, không để lãng phí; các địa phương phải phát huy hơn nữa trách nhiệm, nỗ lực, phát huy tinh thần tự hào, tự lực, tự cường vươn lên, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Bên cạnh đó, phải quán triệt tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả”. Trong mọi trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, các nhà thầu, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm, hiệp lực, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “quyết tâm cao nhất, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm”, “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, việc phân công phải bảo đảm 6 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”; để “dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ đôn đốc”. Đặc biệt, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cự, tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công; thi công bê trễ, thiếu trách nhiệm trong giải ngân.
Với khối lượng vốn đầu tư công rất lớn (lên tới 95.014 tỷ đồng), lại chủ yếu nằm ở các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là đường cao tốc, nên việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2025 được Chính phủ giao Bộ Xây dựng sẽ vừa là kết quả, vừa là động lực để thực hiện mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm nay. Đây cũng là nỗ lực nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2025 của cả nước.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM trong 4 tháng đầu năm vẫn ở mức rất thấp, vốn bị ngâm tại các dự án trọng điểm. Thành phố đang quyết tâm tháo gỡ thủ tục đầu tư để giải ngân vốn trong quý II/2025.
“Chôn vốn” tại các dự án trọng điểm
“Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm của TP.HCM còn thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra”, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở tài chính TP.HCM đánh giá tại phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm diễn ra mới đây.
Theo số liệu của Sở Tài chính TP.HCM, tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2025, Thành phố đã giải ngân 6.068 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt tỷ lệ 7,2% trên tổng vốn đầu tư công năm 2025 là 85.500 tỷ đồng.
Hầu như trong các phiên họp kinh tế – xã hội hàng tháng, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công đều được đưa ra mổ xẻ, bàn thảo, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, song mọi thứ chưa có chuyển biến. Đó là chưa kể, trong 4 tháng đầu năm, Thành phố đã tổ chức 7 cuộc họp chuyên đề về đầu tư công, ban hành 21 văn bản chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, công trình trọng điểm…
Nhiều dự án trọng điểm được bố trí vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, nhưng đến tháng 3/2025 giải ngân rất chậm, thậm chí một số dự án chưa giải ngân được đồng nào. Điển hình là Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú có tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng, năm 2025 đã bố trí 754 tỷ đồng để thi công hoàn thành dự án, nhưng đến tháng 3/2025 chưa giải ngân được đồng nào.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), dự án trên đang vướng giải phóng mặt bằng 22.000 m2 phía Khu đô thị phát triển An Phú, nên chưa thể triển khai thi công. Hơn nữa, Dự án vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông khu vực giao cắt, nên tiến độ thi công bị ảnh hưởng, chưa giải ngân được vốn.
Cùng chung tình trạng là Dự án mở rộng Quốc lộ 50 huyện Bình Chánh, đến tháng 3/2025 vẫn chưa giải ngân được đồng nào do vướng giải phóng mặt bằng. Hai dự án trọng điểm khác có tỷ lệ giải ngân rất thấp là Dự án Đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM, trong quý I/2025 mới giải ngân được hơn 61 tỷ đồng; Dự án Cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên mới giải ngân được 3,7 tỷ đồng.
Cùng với đường bộ, các dự án đường sắt đô thị cũng được bố trí vốn rất lớn. Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 được giao cho MAUR là 2.829 tỷ đồng. Tuy nhiên, giải ngân đến tháng 3/2025 mới đạt hơn 316 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 11,2%).
Đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), dù đã đưa vào khai thác, nhưng chưa thể giải ngân vốn, vì các khiếu nại, tranh chấp hình thành từ khi khởi công năm 2012 đến nay và kéo dài qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn thay đổi quy định pháp luật có liên quan dẫn đến việc xử lý giai đoạn cuối còn nhiều khó khăn và cần nhiều thời gian rà soát để xử lý dứt điểm.
Gỡ được thủ tục, sẽ giải ngân được ngay
Để cải thiện tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong quý II/2025, bà Lê Thị Huỳnh Mai đề xuất, tập trung ưu tiên đẩy nhanh thủ tục đầu tư một loạt dự án quy mô lớn có khả năng giải ngân vốn ngay trong năm nay như 4 dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, trục đường Bắc – Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành) và Quốc lộ 13, với tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng. Một số dự án khác có khả năng giải ngân ngay như Dự án Cải tạo rạch Văn Thánh (5.561 tỷ đồng), Dự án Cầu đường Bình Tiên (871 tỷ đồng).
Ở góc độ đơn vị thẩm định dự án, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh TP.HCM cho rằng, thẩm định hồ sơ, lựa chọn nhà thầu và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là yếu tố then chốt quyết định tiến độ giải ngân vốn. Muốn đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục đầu tư, các chủ đầu tư cần nâng cao chất lượng làm hồ sơ dự án, tránh tình trạng “sửa tới sửa lui” gây kéo dài thời gian thẩm định.
Bên cạnh đó, cần triển khai ngay công tác bồi thường theo quy hoạch đã có khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư như cách làm hiệu quả của TP. Thủ Đức đối với Dự án đường Vành đai 2. “Việc lựa chọn nhà thầu cũng cần tiêu chí rõ ràng, minh bạch để dễ xử lý khi nhà thầu không đáp ứng yêu cầu tiến độ”, ông Lâm đề xuất.
Nếu được áp dụng hình thức công trình xây dựng khẩn cấp và các cơ chế đặc thù, cơ chế hỗ trợ sẽ giúp Dự án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành khởi công trong tháng 8/2025 và cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2026.
Một đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 4279/VPCP – CN gửi Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về đề xuất triển khai Dự án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành theo công trình xây dựng khẩn cấp.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của VEC, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 21/5/2025.
Trước đó, VEC đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành được triển khai theo hình thức công trình xây dựng khẩn cấp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014, được sửa đổi tại khoản 48 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, VEC còn đề xuất được áp dụng Quy trình chỉ định thầu rút gọn, theo Điều 78 của Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024, Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; được thực hiện song song các thủ tục: khảo sát, lập dự án; lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; lựa chọn nhà thầu; thi công xây dựng…và các công việc cần thiết khác để triển khai Dự án.
Về công tác giải phóng mặt bằng, VEC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định tách thành các Dự án thành phần độc lập và giao cho TP.HCM và tỉnh Đồng Nai thực hiện, VEC bố trí vốn để chi trả, thanh toán theo nhu cầu, tiến độ giải phóng mặt bằng do địa phương đề xuất.
UBND địa phương nơi Dự án đi qua ưu tiên hỗ trợ xác định, thỏa thuận vị trí bãi đồ thải, bãi tập kết vật liệu, bến tạm, vị trí lắp đặt tạm thời trạm trộn bê tông nhựa, bê tông xi măng và thủ tục cấp phép trong giai đoạn thi công; quan tâm bố trí nguồn vật liệu (chủ yếu là vật liệu đắp: đất, cát, đá, base, subase…) đảm bảo cung cấp đủ cho dự án trong giai đoạn triển khai thi công.
Trong trường hợp bất khả kháng (thiếu hụt nguồn vật liệu thi công, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thiên tai, dịch bệnh…), cho phép được điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đối với phần bị ảnh hưởng.
Theo trình tự, thủ tục quy định pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đấu thầu thì việc triển khai Dự án (kể cả trong trường hợp áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt), để khởi công Dự án cần thực hiện qua 3 bước: phê duyệt chủ trương đầu tư; phê duyệt Dự án; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán làm cơ sở lựa chọn nhà thầu thi công.
Trong đó đường găng tiến độ là công tác lập, thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường do Dự án đi qua địa bàn 2 tỉnh (thẩm quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Theo tiến độ dự kiến, Dự án chỉ có thể sẽ khởi công vào ngày 1/11/2025, cơ bản hoàn thành tháng 12/2026, riêng cầu Long Thành hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 6/2027.
Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng hình thức công trình xây dựng khần cấp và cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù, cơ chế hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ thì Dự án sẽ rút ngắn được 2,5 tháng để khởi công vào ngày 19/8/2025; đồng thời cơ bản hoàn thành năm 2026 (rút ngắn được khoảng 3 tháng so với đầu tư theo trình tự thông thường).
Cụ thể, VEC dự kiến phê duyệt dự án vào ngày 24/7/2025; phê duyệt bản vẽ thi công từng phần/ hạng mục công trình từ ngày 8/8/2025; lựa chọn nhà thầu thi công từ ngày 13/8/2025; khởi công vào ngày 19/8/2025.
Đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 (Km4+000 = Km8+844,5) dự kiến thi công trong vòng 13 tháng, hoàn thành vào tháng 9/2026; đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Km8+844,5 +Km25+920), không bao gồm cầu Long Thành, thi công trong vòng 14 tháng, hoàn thành vào tháng 10/2026.
Riêng cầu Long Thành (Km11+428,75 + Km13+747,25) dự kiến thi công 20 tháng, hợp long cầu chính vào tháng 12/2026 và hoàn thành các hạng mục còn lại vào tháng 3/2027.
Dự án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành được Chính phủ giao VEC làm chủ đầu tư, có chiều dài 21,92 km, đi qua địa phận TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai. Tuyến được mở rộng từ quy mô 4 làn xe lên 8 – 10 làn xe.
Tổng mức đầu tư Dự án là 16.386,04 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).
Văn phòng Chính phủ có văn bản số 235/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 17 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Kiên quyết không đội vốn, không kéo dài thời gian thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Thông báo kết luận nêu rõ, với vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của các công trình, dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải (đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển), việc triển khai thành công các dự án này có nhiều ý nghĩa: góp phần quan trọng để hoàn thành một trong ba khâu đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đáp ứng yêu cầu phát triển rất cấp thiết, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và tạo các không gian phát triển mới của các địa phương, vùng miền, quốc gia; là một trong các động lực tăng trưởng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% trong năm 2025 và tạo đà để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số từ năm 2026 trở đi; góp phần thực hiện thành công các kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo được Thủ tướng Chính phủ thành lập nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đôn đốc tiến độ, động viên các cá nhân, tập thể trong quá trình triển khai. Hiện nay, Ban Chỉ đạo đang chỉ đạo 37 dự án/95 dự án thành phần trong đó có 35 dự án thuộc lĩnh vực đường bộ và 2 dự án thuộc lĩnh vực hàng không, với tổng số vốn đầu tư trên một triệu tỷ đồng. Ban Chỉ đạo đã hoạt động rất hiệu quả, tích cực, chủ động tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc, tiến độ nhiều dự án có chuyển biến rõ rệt, nhiều dự án đã hoàn thành vượt kế hoạch. Việc sớm hoàn thành các dự án, trực tiếp giúp tránh đội vốn, nâng cao hiệu quả khai thác, nhân dân phấn khởi….
Hoàn thành nhiệm vụ cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc trong năm 2025
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục tập trung thời gian, công sức, nêu cao ý thức kỷ luật, trách nhiệm, thái độ nghiêm túc để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, linh hoạt, xử lý có hiệu quả các vấn đề vướng mắc, tồn tại. Đồng thời, các Ban Chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần hoạt động tích cực, hiệu quả hơn với tinh thần nói thật, làm thật, hiệu quả thật, sản phẩm thật, đem lại lợi ích, sản phẩm thật cho người dân.
Về các mục tiêu năm 2025: các mục tiêu hoàn thành các dự án trong năm 2025 là không thay đổi (kiên quyết không đội vốn, không tiêu cực, không kéo dài thời gian thực hiện…). Phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng là cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc trong năm 2025; cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành và khởi công dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (tại 5 địa điểm vào ngày 19/12/2025).
Về tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu phải quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công nhiệm vụ 6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền; biến cái không thể thành có thể, biến khó thành dễ, biến mục tiêu khát vọng thành hiện thực.
Cần tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, khắc phục các khó khăn, thời tiết bất lợi, phát huy tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết; làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”… huy động mọi nguồn lực, trang thiết bị, máy móc, áp dụng những giải pháp kỹ thuật hiện đại để hoàn thành các dự án cao tốc như An Hữu – Cao Lãnh, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang – Hà Giang, Biên Hòa – Vũng Tàu, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị – Chi Lăng… dịp 19/12/2025.
Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để triển khai phát triển hạ tầng giao thông; huy động cả hệ thống chính trị, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Mặt trận Tổ quốc, các ban của Đảng vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đoàn kết, huy động mọi lực lượng cùng tham gia các dự án: phát huy bài học kinh nghiệm của Dự án đường dây 500KV mạch 3 về huy động mọi cơ quan, đơn vị: Chủ đầu tư, Nhà đầu tư, các lực lượng quân đội, công an, đoàn thanh niên, hội phụ nữ,… cùng tham gia dự án, với phương châm: Đảng lãnh đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân phục vụ. Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng phát huy tinh thần “vì nước quên thân vì dân phục vụ”, làm sáng hình ảnh Bộ đội cụ Hồ trong triển khai các dự án. Các chủ đầu tư, nhà thầu huy động các nhà thầu phụ tại địa phương, nhân lực tại địa phương theo phương châm 4 tại chỗ; lưu ý bảo đảm chât lượng công trình, không vì tiến độ làm ảnh hưởng tới chất lượng.
Các dự án hợp tác công tư phải triển khai các thủ tục để khởi công ngay trong tháng 5/2025
Về thủ tục chuẩn bị một số dự án, Thủ tướng yêu cầu những vấn đề phát sinh phải được các cơ quan đơn vị chủ động xử lý theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo nếu vượt thẩm quyền; kiên quyết không đùn đẩy né tránh.
Các dự án hợp tác công tư phải triển khai các thủ tục để khởi công ngay trong tháng 5 năm 2025. Các nhà đầu tư tiếp tục chủ động huy động mọi nguồn lực, trang thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các Dự án… Giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật PPP, Luật Đầu tư theo hướng đơn giản/cắt giảm thủ tục (trong đó có thủ tục thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước/Hội đồng thẩm định liên ngành), thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, hấp dẫn nhà đầu tư.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương triển khai các giải pháp để huy động 500.000 tỷ đồng cho đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính bố trí đủ nguồn lực để triển khai đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Dương, Lạng Sơn cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm để bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại của các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025, trong tháng 5/2025.
Các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Kiên Giang khẩn trương đẩy nhanh bàn giao mặt bằng các Dự án trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, hoàn thành chậm nhất ngày 20/5/2025.
Các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Tiền Giang quyết liệt triển khai công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiến độ triển khai dự án Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Hồ Chí Minh.
Khẩn trương giao các nhà thầu trực tiếp các mỏ để chủ động về nguồn vật liệu
Về vật liệu xây dựng, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng hoàn thành thủ tục cấp mỏ còn lại trong tháng 5/2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 203/TB-VPCP ngày 25/4/2025; trong đó tỉnh An Giang rà soát, khẩn trương giao các nhà thầu trực tiếp các mỏ để chủ động về nguồn vật liệu đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án.
Tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre xem xét nâng công suất mỏ đáp ứng nhu cầu năm 2025 của dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Tỉnh Đắk Lắk hoàn thành thủ tục chấp thuận cho thuê đất mỏ Ea Kênh và thủ tục hoàn trả bãi đổ thải vật liệu thừa tạm thời theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại dự án Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột trong tháng 5/2025.
Bộ Công an điều tra việc cung ứng vật liệu đắp cho các dự án trọng điểm khu vực phía Nam.
Về triển khai các dự án Cảng hàng không, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn lao động, tổ chức thi công hợp lý, khoa học, bảo đảm tiến độ hoàn thành Dự án thành phần 4 trong năm 2025; các cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm về tiến độ triển khai các dự án thành phần để bảo đảm khai thác đồng bộ, hiệu quả; chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân về tiến độ triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong dịp 19/12/2025.
ACV và các địa phương tập trung triển khai hoàn thành các cảng hàng không, sân bay: mở rộng nhà ga T2 cảng hàng không Nội Bài; cảng hàng không Cà Mau, sân bay Phù Cát Bình Định, Nhà ga T2 cảng hàng không Đồng Hới…
Do giá phôi thép và nguyên vật liệu tăng, nên nhiều doanh nghiệp thép trong nước đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán.
Ngày 15/5, nhiều doanh nghiệp thép trong nước điều chỉnh tăng giá bán với mức tăng cao nhất là 200 đồng/kg.
Cụ thể, Tập đoàn sản xuất thép Việt Đức (VGS) thông báo điều chỉnh tăng 200 đồng/kg đối với thép cây và 150 đồng/kg đối với thép cuộn tại thị trường miền Bắc và miền Trung. Mức giá mới được áp dụng từ ngày 15/5.
Đợt điều chỉnh giá thép lần này diễn ra trong bối cảnh thị trường thép đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong và ngoài nước.
Theo VGS, nguyên nhân tăng giá là do giá phôi thép và nguyên vật liệu tăng dù doanh nghiệp đã rất nỗ lực nhằm ổn định giá bán trên thị trường.
Cùng ngày, Tập đoàn Hòa Phát cũng phát đi thông báo tăng 200 đồng/kg với thép cây và 150 đồng/kg với thép cuộn, chưa bao gồm VAT. Việc tăng giá áp dụng tại thị trường miền Bắc.
Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam cũng điều chỉnh tăng 200 đồng/kg với thép cây các loại; 150 đồng/kg với thép cuộn và thép rút dây các loại. Phạm vi áp dụng trên toàn quốc.
Ngày 14/5, Công ty Thép Pomina (POM) công bố tăng 100 đồng/kg cho cả thép cây và thép cuộn. Trước đó, ngày 9/5, các doanh nghiệp cũng đã có một đợt tăng giá thép với mức tăng cao nhất là 150 đồng/kg.
Theo chuyên gia thị trường nhận định, đợt điều chỉnh giá lần này diễn ra trong bối cảnh thị trường thép đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Trên thị trường châu Á, giá thép HRC chủ yếu tăng sau thỏa thuận thương mại của Mỹ, Trung Quốc. Giá phôi thép và cốt thép cũng đã tăng trong bối cảnh giảm căng thẳng thuế quan.
Phó chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam Trần Bá Việt cho biết, do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và lạm phát nên các nhà sản xuất buộc phải tăng giá thép. Việc này sẽ góp phần làm tăng suất vốn đầu tư công trình, nhất là các công trình cầu, cống trong hạ tầng giao thông vận tải. Nếu các dự án đã đấu thầu, thì nhà thầu bị giảm lợi nhuận hoặc bị lỗ, sức khỏe doanh nghiệp suy giảm.
Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) tiếp tục gặt hái các giải thưởng trong cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình “Khu khách sạn và nhà chung cư hỗn hợp thuộc khu Hành chính tập trung tỉnh Hải Dương”.
Trung tâm Kiến trúc, Quy hoạch Nông thôn thuộc Viện Kiến trúc quốc gia vừa nhận giải Nhì và giải Ba trong cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình “Khu khách sạn và nhà chung cư hỗn hợp thuộc khu Hành chính tập trung tỉnh Hải Dương”.
Phối cảnh phương án của Viện Kiến trúc quốc gia đoạt giải Nhì.
Theo đánh giá của Hội đồng thi tuyển, các phương án tham gia cuộc thi đều có những ý tưởng sáng tạo, độc đáo, đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư và phù hợp với các tiêu chí về quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng.
Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình “Khu khách sạn và nhà chung cư hỗn hợp thuộc khu Hành chính tập trung tỉnh Hải Dương” được tổ chức với mục đích tìm kiếm những phương án kiến trúc hiện đại, công năng sử dụng tối ưu, đáp ứng yêu cầu phục vụ tối đa nhu cầu kinh doanh khách sạn, du lịch kết hợp nhà ở tại thành phố Hải Dương.
Vị trí dự án nằm trong khu hành chính tập trung của tỉnh Hải Dương, có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế – văn hóa với nhiều ưu thế về cảnh quan thiên nhiên.
Giải Nhất cuộc thi được trao cho phương án của Công ty TNHH ONG&ONG (Singapore).
Theo Quy hoạch, đến năm 2030, bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề tiếp nhận tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 tấn, tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 24,6 triệu tấn – 32,5 triệu tấn.
Ngày 13/5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang đã ký Quyết định số 590/QĐ-BXD phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, cảng biển Sóc Trăng gồm các khu bến: Kế Sách, Đại Ngãi, Trần Đề và các bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Sóc Trăng từ 30,7 triệu tấn – 41,2 triệu tấn (trong đó hàng container từ 0,97 triệu TEU – 1,36 triệu TEU); hành khách từ 522,1 nghìn lượt – 566,3 nghìn lượt khách.
Cảng biển Trần Đề đóng vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho toàn Vùng.
Về kết cấu hạ tầng, có tổng số 6 bến cảng gồm từ 16 cầu cảng đến 18 cầu cảng với tổng chiều dài từ 2.693 m đến 3.493 m (chưa bao gồm các bến cảng khác).
Tầm nhìn đến năm 2050, hàng hóa thông qua cảng với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5 % – 6,1 %/năm; hành khách với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,1 % – 1,25 %/năm. Về kết cấu hạ tầng, tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa, trong đó hình thành cảng cửa ngõ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Khu bến Trần Đề: các bến trong sông Hậu phía hạ lưu cầu Đại Ngãi lượng hàng hóa thông qua từ 1 triệu tấn -1,1 triệu tấn, hành khách từ 522,1 nghìn – 566,3 nghìn lượt khách; bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề hàng hóa thông qua từ 24,6 triệu tấn – 32,5 triệu tấn.
Về quy mô, các bến trong sông Hậu phía hạ lưu cầu Đại Ngãi có 2 bến cảng gồm 4 cầu cảng với tổng chiều dài 343 m; bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề có 1 bến cảng gồm từ 2 – 4 cầu cảng với tổng chiều dài từ 800 m -1.600 m (chưa bao gồm cầu cảng chuyển tiếp phía bờ tại cửa Trần Đề), cụ thể:
Bến cảng phục vụ Khu công nghiệp Trần Đề: 2 cầu cảng tổng hợp, hàng rời với tổng chiều dài 260 m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 2.000 tấn, cỡ sà lan, phương tiện thủy trọng tải đến 5.000 tấn phù hợp với tĩnh không công trình vượt sông, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 1 triệu – 1,1 triệu tấn.
Bến cảng Superdong Trần Đề – Sóc Trăng: 2 cầu cảng hành khách với tổng chiều dài 83 m, tiếp nhận tàu cao tốc trọng tải đến 200 tấn, phà biển trọng tải đến 500 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hành khách từ 522,1 nghìn – 566,3 nghìn lượt khách.
Bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề: từ 2 – 4 cầu cảng tổng hợp, container, hàng rời với tổng chiều dài từ 800 m -1.600 m, tiếp nhận tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 tấn, tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 24,6 triệu tấn – 32,5 triệu tấn. Đầu tư các cầu cảng tiếp chuyển phía bờ tại Trần Đề có quy mô và tiến trình đầu tư phù hợp với quy mô đầu tư bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề theo quy hoạch nhằm hỗ trợ hoạt động khai thác cảng.
Khu bến Đại Ngãi: Bến cảng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, gồm 6 cầu cảng hàng rời, hàng lỏng với tổng chiều dài 630 m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 10.000 tấn đầy tải và 20.00 tấn giảm tải, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 3,2 triệu tấn đến 3,8 triệu tấn.
Khu bến Kế Sách: Gồm bến cảng tổng hợp Cái Côn có quy mô 2 cầu cảng tổng hợp và 1 cầu cảng chuyên dùng xi măng với tổng chiều dài 740 m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 1,6 triệu tấn đến 3,4 triệu tấn; bến cảng xăng dầu Mỹ Hưng có 1 cầu cảng hàng lỏng/khí dài 180 m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 15.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa 0,3 triệu tấn.
Tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5% – 6,1%/năm. Bến cảng ngoài khơi Trần Đề có quy mô dự kiến phát triển khoảng 14 cầu cảng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng hóa.
Về nhu cầu sử dụng đất và mặt nước, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 1.331 ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics… gắn liền với cảng).
Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 148.486 ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải).
Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Sóc Trăng đến năm 2030 khoảng 61.513 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 19.607 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 41.906 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng: Đầu tư xây dựng hạ tầng công cộng bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề (luồng tàu, đê chắn sóng, cầu vượt biển) đồng bộ với quy mô, lộ trình đầu tư các bến cảng, lộ trình đầu tư tùy thuộc vào nguồn lực và nhu cầu; đầu tư các kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải như: khu neo đậu tránh, trú bão, đài thông tin duyên hải, hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS); đầu tư xây dựng bến công vụ, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành.
Bến cảng biển: Đầu tư bến cảng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, kêu gọi đầu tư các bến cảng tại khu bến ngoài khơi cửa Trần Đề.